Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực trong bao lâu?

Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024, các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng... là những đối tượng phải có giấy phép hành nghề.

Việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề được thực hiện trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 5 năm và để được gia hạn Giấy phép hành nghề thì phải đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.

Theo quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định; 
  • Đã hoàn thành việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
  • Theo quy định, giấy phép hành nghề y sẽ có thời hạn 5 năm. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây: Họ và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; Số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài; Chức danh chuyên môn; Phạm vi hành nghề; Thời hạn của giấy phép hành nghề.

    Những cá nhân đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.

    Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

    Theo Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh bác sĩ và những chức danh theo quy định.

    Từ ngày 01/01/2027 đối với chức danh bác sĩ; Từ ngày 01/01/2028 đối với các chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh; Từ ngày 01/01/2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. 

    PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội đưa nội dung đánh giá năng lực hành nghề vào luật làm cơ sở cho việc xem xét cấp giấy phép hành nghề.

    Theo đó, Hội đồng Y khoa Quốc gia được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề cho các chức danh: bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Dự kiến, lộ trình sẽ được triển khai 6 năm từ 2024 tới 2029.

    Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đánh giá, đây sẽ là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên định, bền bỉ của những người trong cuộc, sự chung tay, hỗ trợ, hợp tác và đồng hành của các Bộ ban ngành có liên quan, của các Vụ/Cục và đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và đặc biệt là sự hợp tác, hỗ trợ của tất cả các trường đào tạo nhân lực y tế và bệnh viện ở Việt Nam.

Share
0
+1
0
Tweet
0

Hotline tư vấn

 0827.335.345