CHI BỘ ĐẢNG SẢN NHI


A. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
            Chi bộ Bệnh viện Sản - Nhi là chi bộ trực thuộc Đảng bộ Sở Y tế có nhiệm vụ lãnh chỉ đạo Bệnh viện thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, an ninh quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực Sản - Phụ khoa, Nhi khoa; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới và triển khai các hoạt động dự phòng về lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe sinh sản/Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng.
             Hiện nay Chi bộ có 69 đảng viên chính thức, trong đó Nam 20 đồng chí chiếm 29%, Nữ 49 đồng chí chiếm 71%, 11 đồng chí là dân tộc thiểu số chiếm 15,9%; Đảng viên có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị: 07 đồng chí chiếm 10,1%; Đảng viên có trình độ Trung cấp chính trị: 19 đồng chí chiếm 27,5%; Đảng viên có trình độ đại học 31 đồng chí chiếm 44,9%; Đảng viên có trình độ sau đại học 25 đồng chí chiếm 36,2%; Chi bộ có 69 đảng viên/tổng số 123 cán bộ công chức viên chức chiếm 56%.

B. QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHI BỘ B. QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHI BỘ

I. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TẬP THỂ

              1. Chức năng của chi bộ

Chi bộ Bệnh viện là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, công tác của đơn vị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng; xây dựng chi bộ Bệnh viện và đơn vị vững mạnh

2. Trách nhiệm, quyền hạn của chi bộ

Chi bộ Bệnh viện Sản – Nhi có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Quyết định Quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa và hằng năm của chi bộ; Chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm của chi bộ.

2. Xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án... cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Khối, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Sở Y tế, Nghị quyết Đại hội III chi bộ Bệnh viện Sản - Nhi và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện của chi bộ Bệnh viện Sản – Nhi.

Thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Sở Y tế.

3. Quyết định phân công nhiệm vụ đối với đảng viên và Ủy viên Ban Chấp hành.

4. Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng ủy Khối, Kế hoạch tổ chức đại hội của Đảng ủy Sở Y tế.

4.1. Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập đại hội chi bộ Bệnh viện Sản – Nhi, hội nghị giữa nhiệm kỳ (nếu có), thông qua dự thảo các văn kiện trình Đại hội; chuẩn bị phương án nhân sự và giới thiệu nhân sự bầu vào Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư. Trình Đảng ủy Sở Y tế nhân sự giới thiệu ứng cử các chức danh ủy viên Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư chi bộ và nhân sự bổ sung các chức danh này.

4.2. Ngay sau đại hội, đề nghị chuẩn y Ban Chấp hành và các chức danh lãnh đạo chủ chốt đảm bảo thời gian quy định.

4.3. Đề nghị nhân sự chỉ định vào Ban Chấp hành chi bộ. Xây dựng và đề nghị Đảng ủy Sở Y tế phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành và các chức danh chủ chốt. Khen thưởng đảng viên theo quy định.

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của khoa, phòng Chi bộ còn có trách nhiệm lãnh đạo Chi bộ thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ có liên quan (nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng; công tác tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; các đoàn thể nhan dân; xây dựng tổ chức đảng) của Chi bộ được quy định tại Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng ủy Sở Y tế giao.

 3. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành chi bộ

- Ban Chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy) có nhiệm vụ lãnh đạo các hoạt động của chi bộ giữa hai kỳ họp chi bộ, thực hiện các nghị quyết, kết luận của chi bộ tại kỳ họp trước.

- Đề xuất, kiến nghị với Đảng ủy Sở Y tế những vấn đề có liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng ủy đối với chi bộ. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Y tế, chi bộ Bệnh viện Sản – Nhi về hoạt động của Ban Chấp hành chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025.

- Xây dựng dự thảo quy chế làm việc, chương trình làm việc toàn khóa, hằng năm, hằng tháng của chi bộ. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm của chi bộ. Chuẩn bị nội dung làm việc với lãnh đạo cấp ủy cấp trên đến làm việc tại chi bộ hoặc khi lãnh đạo cấp ủy cấp trên yêu cầu cấp uỷ đến báo cáo, làm việc.

- Quyết định triệu tập cuộc họp chi bộ; chuẩn bị nội dung, chương trình, dự thảo nghị quyết, kết luận trình tại cuộc họp chi bộ về những vấn đề thuộc thẩm quyền của chi bộ quy định tại Điều 2 Quy chế này. 

II. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CÁ NHÂN 

1. Đảng viên trong chi bộ

Ngoài việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của người đảng viên theo quy định tại Điều lệ Đảng, còn phải thực hiện những nội dung sau:

1. Tham dự đầy đủ các cuộc họp chi bộ, tích cực đóng góp ý kiến vào các nội dung tại cuộc họp; biểu quyết những quyết định chung của chi bộ và cùng tập thể chi bộ chịu trách nhiệm lãnh đạo thực hiện.

          2. Chịu trách nhiệm trước chi bộ về kết quả thực hiện những nhiệm vụ được phân công.

          3. Gương mẫu chấp hành cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của chi bộ, cơ quan, tổ chức, đoàn thể phân công và nghĩa vụ người công dân. Vận động người thân và gia đình chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu trong công tác, sinh hoạt, tích cực rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          4. Báo cáo kịp thời và đề xuất những biện pháp cần thiết, nhất là những vấn đề đột xuất, phức tạp thuộc phạm vi nhiệm vụ được phân công với chi bộ, chi ủy.

          5. Được cung cấp thông tin, tài liệu của chi bộ theo quy định; có quyền chất vấn và trả lời chất vất về hoạt động công tác của chi bộ; được quyền thảo luận, biểu quyết các nghị quyết, quyết định của chi bộ.

          6. Có quyền bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến cá nhân không nhất trí với nghị quyết của chi bộ, nhưng vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết đó, nói và làm theo nghị quyết đã được tập thể chi bộ thông qua.

 2. Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành chi bộ

Ngoài việc thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của người đảng viên tại Điều 4 nêu trên, còn phải thực hiện những nội dung sau:

1. Chịu trách nhiệm trước chi bộ về lĩnh vực được phân công phụ trách.

2. Chủ động đề xuất ý kiến với chi bộ về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và chương trình hoạt động của chi bộ liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách.

3. Nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn sự thống nhất ý chí, hành động và đoàn kết trong Đảng; không nói trái, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và của Đảng ủy Khối; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng. Cùng với cấp ủy nơi công tác, lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối.

4. Gương mẫu thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định của Trung ương và của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Thường xuyên tự soi mình với các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và đề ra giải pháp khắc phục. Tích cực góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh ở đơn vị mình sinh hoạt, công tác. Có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh; xây dựng gia đình văn hóa; không để vợ (hoặc chồng), con lợi dụng làm những việc trái quy định của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.

5. Nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công và điều động của cấp có thẩm quyền; có quyền trình bày ý kiến khi các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quyết định bố trí công tác, thi hành kỷ luật đối với mình.

6. Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo quy định của Đảng. Hằng năm tự phê bình về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý, nhất là các hạn chế, khuyết điểm của mình hoặc có liên quan đến mình. Có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong kỳ kiểm điểm và khuyết điểm do cấp có thẩm quyền kết luận và khuyết điểm được chỉ ra ở các kỳ kiểm điểm trước. Được quyền thảo luận, biểu quyết các quyết định của Ban Chấp hành.

7. Tích cực, tự giác học tập, cập nhật thông tin, kiến thức mới và được bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn.

8. Tham dự đầy đủ các phiên họp chi ủy; tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến cho các nội dung cuộc họp chi ủy. Phối hợp chuẩn bị nội dung thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách để họp chi ủy

9. Có quyền bầu cử, ứng cử, đề cử, xin rút khỏi danh sách đề cử theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng.

10. Trên cơ sở chương trình công tác của chi bộ, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, tăng cường làm việc với đơn vị được phân công phụ trách; thường xuyên tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và người lao động. Được phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác.

3. Bí thư chi bộ

Bí thư chi bộ là người đứng đầu chi bộ, chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban chấp hành; cùng Ban chấp hành chịu trách nhiệm trước Đảng ủy Sở Y tế về mọi hoạt động của chi bộ. Bí thư chi bộ có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Phụ trách chung, chủ trì các công việc của chi bộ; chủ trì và kết luận các cuộc họp của chi ủy và chi bộ, chủ động đề xuất, những vấn đề lớn, quan trọng để đưa ra chi bộ thảo luận, quyết định.

Trực triếp chuẩn bị và phân công ủy viên ban chấp hành chuẩn bị các nghị quyết, quyết định, văn bản của chi bộ; các nội dung trình tại cuộc họp chi bộ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

2. Trực tiếp tổ chức quán triệt trong chi bộ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

3. Tập trung chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; trực tiếp nắm và chỉ đạo những vấn đề cơ mật về công tác bảo vệ Đảng; chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm về công tác tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ.

Chịu trách nhiệm trước chi bộ trong việc chuẩn bị, thẩm định dự thảo Quy chế làm việc của chi bộ, chương trình công tác toàn khóa, hằng năm hằng tháng của chi bộ; chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm của chi bộ và chỉ đạo việc thực hiện. Chủ động kiến nghị với Ban Chấp hành chi bộ các biện pháp để cải tiến và đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành chi bộ.

Bảo đảm sinh hoạt của Ban Chấp hành, của chi bộ được thực hiện đúng Quy chế làm việc, đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy và trong toàn chi bộ.

4. Tổ chức thực hiện việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Đảng ủy Khối theo sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. Thay mặt chi uỷ báo cáo với Đảng uỷ Sở Y tế về tình hình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và hoạt động của cấp uỷ theo đúng chế độ quy định. Khi cần thiết, trực tiếp báo cáo với Đảng uỷ Sở Y tế về tình hình của chi bộ và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo đó.

5. Chỉ đạo đồng chí Phó Bí thư và các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành thực hiện công việc theo các lĩnh vực được phân công phụ trách.

6. Thay mặt chi bộ hành ký các nghị quyết, quyết định, kết luận và các văn bản của chi bộ; một số văn bản cụ thể có thể ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư ký.

7. Chỉ đạo công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành, các chức danh Bí thư, Phó bí thư chi bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của chi bộ. Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự trước khi trình Ban Chấp hành và hội nghị chi bộ. Chủ trì việc nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên cuối năm theo hướng dẫn của cấp trên.

8. Tiếp công dân theo quy định.

4. Phó Bí thư chi bộ

Đồng chí Phó Bí thư chi bộ cùng với đồng chí Bí thư chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chi bộ, đồng thời chịu trách nhiệm chính về những nhiệm vụ được phân công. Phó Bí thư chi bộ có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Cùng với đồng chí Bí thư chịu trách nhiệm trước chi bộ trong việc chuẩn bị, thẩm định dự thảo Quy chế làm việc của chi bộ, chương trình công tác toàn khóa và hằng năm, hằng tháng của chi bộ; chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm của chi bộ; Chủ trì việc xây dựng dự thảo và tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm của chi bộ. Tham gia việc chuẩn bị chương trình và nội dung các cuộc họp Ban Chấp hành, chi bộ.

2. Thường xuyên nắm bắt, tổng hợp thông tin, đề xuất với đồng chí Bí thư và tập thể Ban Chấp hành để xử lý thông tin trong quá trình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ.

3. Đề xuất với tập thể Ban Chấp hành những vấn đề cần quan tâm giải quyết thuộc các lĩnh vực, nhiệm vụ mình phụ trách và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác khi được đồng chí Bí thư phân công.

4. Thay mặt chi bộ ký một số văn bản của chi bộ theo sự phân công của đồng chí Bí thư.

III. NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC 

1. Nguyên tắc làm việc

1. Ban Chấp hành, chi bộ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao.

2. Cá nhân được quyền phát biểu và bảo lưu ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành nghị quyết của tập thể. Ý kiến bảo lưu có thể được phản ánh lên cấp trên, nhưng không được tuyên truyền, phổ biến ra bên ngoài.

3. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của chi bộ; phát huy sức mạnh của tập thể. Đồng thời, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát.

4. Đảng viên và các đồng chí trong Ban Chấp hành thực hiện đúng chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với chi bộ về tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm được phân công. Trong trường hợp đi công tác, học tập ở nước ngoài phải báo cáo theo các quy định hiện hành.

2. Chế độ hội họp của Ban Chấp hành, chi bộ

1. Ban Chấp hành họp định kỳ một tháng một lần trước khi họp chi bộ; khi cần thiết hoặc khi có trên một nửa số Ủy viên Ban Chấp hành đề nghị thì đồng chí Bí thư quyết định triệu tập họp Ban Chấp hành đột xuất. Chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành là đồng chí Bí thư.

- Chương trình cuộc họp Ban Chấp hành do đồng chí Bí thư trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị và phải được Ban Chấp hành thông qua.

- Những vấn đề quan trọng và có các ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận ở hội nghị phải được biểu quyết trước khi kết luận.

2. Chi bộ họp định kỳ một tháng một lần sau khi họp chi ủy; khi cần thiết hoặc khi có trên một nửa số đảng viên đề nghị thì đồng chí Bí thư quyết định triệu tập họp chi bộ đột xuất. Chủ trì cuộc họp chi bộ là đồng chí Bí thư.

- Chương trình cuộc họp chi bộ do chi ủy chuẩn bị và phải được chi bộ thông qua.

- Những vấn đề quan trọng và có các ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận ở hội nghị phải được biểu quyết trước khi kết luận.

3. Cuộc họp Ban Chấp hành, chi bộ phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên dự mới triển khai thực hiện và các nghị quyết, kết luận chỉ có giá trị thi hành khi có hơn 50% tổng số thành viên tán thành. Các đồng chí đảng viên nếu vì lý do đột xuất không tham dự kỳ họp, phải báo cáo trực tiếp và được sự đồng ý của đồng chí Bí thư.

3. Chế độ thông tin, báo cáo, học tập và bảo mật

1. Đảng viên và các ủy viên ban chấp hành phải thường xuyên báo cáo với chi bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại các cuộc họp định kỳ. Khi có tình hình, công việc đột xuất, cấp thiết phải báo cáo ngay với chi ủy và đồng chí Bí thư.

2. Đảng viên và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phải thường xuyên, tự giác học tập, cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ về mọi mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực hiện nghiêm chế độ bảo mật, kỷ luật phát ngôn theo quy định của Đảng và Nhà nước.

4. Chế độ ban hành, quản lý văn bản

1. Các nghị quyết, kết luận của chi bộ đều được văn bản hoá theo quy định và được gửi đến các tổ chức và cá nhân có nhiệm vụ thực hiện.

2. Các nghị quyết, kết luận của chi bộ phải bảo đảm đúng thể thức, thể loại văn bản của Đảng, ký ban hành đúng thẩm quyền và được phát hành, quản lý, lưu trữ theo quy định hiện hành.

5. Thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình

1. Hằng năm, tập thể và cá nhân tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo hướng dẫn của cấp trên.

2. Ủy viên Ban Chấp hành phải gương mẫu tham gia sinh hoạt đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình theo quy định.

3. Cuối nhiệm kỳ, chi ủy kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Ủy viên Ban Chấp hành tiến hành tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội chi bộ.

IV. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CHI BỘ

1. Với Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế

1. Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế.

 2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Kịp thời phản ánh, xin ý kiến những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đột xuất phát sinh; báo cáo đầy đủ và kịp thời những vấn đề về tổ chức đảng, đảng viên tại chi bộ (khi có yêu cầu).

2. Với các chi bộ trong đảng bộ

Là quan hệ phối hợp trong công tác phát triển, quản lý đảng viên.

3. Với  thủ trưởng cơ quan; cấp ủy và chính quyền địa phương

            1. Đối với thủ trưởng cơ quan.

- Chi bộ, cấp uỷ bảo đảm và tạo điều kiện để thủ trưởng đơn vị thực hiện trách nhiệm, quyền hạn được giao; thủ trưởng đơn vị bảo đảm và tạo điều kiện để chi bộ thực hiện Quy định này. Cấp uỷ thường xuyên thông báo với thủ trưởng đơn vị ý kiến của đảng viên, quần chúng về việc thực hiện các nhiệm vụ và chính sách, chế độ trong đơn vị.

- Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm, vào dịp đại hội đảng) và đột xuất khi có yêu cầu, thủ trưởng đơn vị báo cáo với cấp uỷ hoặc đại hội về tình hình thực hiện các mặt công tác và những chủ trương, nhiệm vụ sắp tới của đơn vị; cấp uỷ hoặc chi bộ thảo luận, ra nghị quyết về những vấn đề lớn, quan trọng và lãnh đạo đảng viên, quần chúng trong đơn vị thực hiện.

- Bí thư, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng khi để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong đơn vị. Khi đảng uỷ, chi uỷ cơ sở và thủ trưởng đơn vị có ý kiến khác nhau thì thủ trưởng đơn vị quyết định theo quyền hạn và chịu trách nhiệm về quyết định đó, đồng thời cấp uỷ và thủ trưởng đơn vị cùng báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định.

        2. Đối với cấp uỷ và chính quyền địa phương.

Cấp uỷ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền Phường Minh Tân và nơi có cán bộ, đảng viên của đơn vị cư trú, để phối hợp công tác và quản lý cán bộ, đảng viên.

CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN;

1. Chuẩn y

2. Phân công nhiệm vụ ban chi ủy



Hotline tư vấn

 0827.335.345