SKĐS - Tính minh bạch, liên thông của đơn thuốc điện tử là rõ ràng. Để hiểu rõ hơn thực hiện kê đơn thuốc điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội tin học Y tế Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa ông, kê đơn thuốc điện tử hiệu quả như thế nào và tại sao các bệnh viện, cơ sở y tế cần thiết phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử?
Ông Nguyễn Hữu Trọng: Luật khám chữa bệnh và Luật dược của chúng ta từ trước tới nay chặt chẽ, trong đó quy định về việc quản lý hành nghề, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn là những quy định bắt buộc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công cụ giám sát thực thi còn chưa có nhiều nên một số nơi, tới thời điểm này, việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc vẫn diễn ra. Người bệnh có thể tự kê đơn cho mình. Người dược sĩ, dược tá thậm chí người trông coi cửa hàng thuốc cũng có thể ra đơn thuốc cho bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm của bản thân…
Đối với các đơn thuốc hiện nay, sẽ rất khó đảm bảo sự minh bạch. Ví dụ cụ thể như sau: Tính chính xác, xác minh của đơn thuốc là rất khó khăn.
Ai cũng có thể chế ra 1 đơn thuốc bằng máy tính của mình theo đúng biểu mẫu quy định hoặc tự viết tay trên bản giấy.
Khi sử dụng đơn ra mua tại cơ sở bán lẻ thuốc không cơ sở nào có thể thẩm định đây đúng là đơn thuốc thật được kê từ cơ sở khám chữa bệnh và người bác sĩ cụ thể hay không?
Việc ghi nhận số lượng thuốc đã bán trên mỗi đơn thuốc là chưa thể kiểm soát.
Người bệnh có thể dùng 1 đơn thuốc để thực hiện mua tại nhà thuốc bệnh viện rồi tiếp tục tới với tất cả các nhà thuốc tư nhân khác để mua nhiều lần. Không cơ sở bán lẻ thuốc nào có thể biết đơn thuốc cụ thể đó đã bán rồi hay chưa? Bán một phần hay tất cả số thuốc đã kê?.
Về thời gian hiệu lực của đơn thuốc. Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT, quy định thời gian hiệu lực của đơn thuốc ngoại trú là 05 ngày. Sau thời gian này nếu người bệnh chưa mua thuốc điều trị, không nên sử dụng các loại thuốc đã kê vì biểu hiện lâm sàng và tình trạng bệnh có thể đã khác. Người bệnh cần thăm khám để bác sĩ kê các loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, hiện người bệnh và nhà thuốc đều không quan tâm tới vấn đề này và thậm chí có những đơn thuốc đã được kê trong 2-3 năm, quá thời hạn. Chúng ta chưa có hệ thống nào để cảnh báo và quản lý đơn thuốc quá hạn như vậy.
Trên cơ sở đó, để quản lý tốt hơn về hành nghề dược, quản lý tốt việc bán thuốc theo đơn đúng quy định pháp luật, việc triển khai kê đơn thuốc điện tử và áp dụng Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (gọi tắt là Hệ thống đơn thuốc Quốc gia) của Bộ Y tế sẽ giúp tất cả các cơ sở thực thi được việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, từ đó nâng cao sức khỏe nhân dân tránh đại dịch kháng thuốc đặc biệt kháng kháng sinh đang là thảm họa mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo.
Hệ thống đơn thuốc Quốc gia là Hệ thống kho tổng tiếp nhận bản điện tử của mỗi đơn thuốc được tạo ra tại mỗi cơ sở khám chữa bệnh sau khi kết thúc quá trình khám chữa bệnh.
Hệ thống chia sẻ đơn thuốc (thông qua mã đơn và dưới sự cho phép của người bệnh) tới các cơ sở bán lẻ thuốc để thực hiện bán thuốc theo đơn đồng thời tiếp nhận báo cáo số lượng thuốc đã bán trên mỗi đơn (từ phần mềm của cơ sở bán lẻ thuốc) quay trở về lưu giữ. Khi người bệnh tới với cơ sở bán lẻ thuốc thứ 2, thứ 3 cho tới thứ... n, ở các cơ sở tiếp theo thông qua mã đơn thuốc, thông qua phần mềm nhà thuốc, thông qua hệ thống đơn thuốc quốc gia các cơ sở sẽ xác minh được đơn có thật hay không, còn hạn hay hết hạn, đơn bán rồi hay chưa, bán toàn phần hay tất cả…
Có như vậy thông tin mới đầy đủ cho cơ sở bán thuốc thực hiện bán theo đơn và cơ quan quản lý nhà nước mới có thể thanh kiểm tra giám sát sâu sát tiến tới xử phạt. Các cơ sở khám chữa bệnh buộc phải thực hiện việc bán thuốc theo đơn điện tử.
Với sự ưu việt như vậy chúng ta có thể khẳng định: Kê đơn thuốc điện tử theo quy định của Bộ Y tế không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh khi có đơn trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở bán thuốc có đơn thuốc điện tử mà là thành tố quan trọng bậc nhất trong việc quản lý bán thuốc theo đơn tránh đại dịch kháng thuốc, nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân.
PV: Theo đánh giá của Hội Tin học Y tế Việt Nam, triển khai kê đơn thuốc điện tử trên cả nước hiện nay ra sao? Một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai vì sao lại như vậy?
Ông Nguyễn Hữu Trọng: Hội Tin học Y tế Việt Nam đồng hành với Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia và Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đã thí điểm đánh giá tác động xã hội và thấy rằng việc triển khai kê đơn thuốc điện tử hoàn toàn không có gì khó khăn, phức tạp.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập bao gồm từ trạm y tế xã phường tới các bệnh viện các tuyến, các hạng, 100% các cơ sở này đều đã đang kê đơn điện tử trên phần mềm quản lý cơ sở (His – V20 trạm y tế xã phường) của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm khác nhau.
Các đơn vị đều đã chỉnh sửa liên thông đơn thuốc từ phần mềm vốn có của cơ sở khám chữa bệnh tới hệ thống đơn thuốc quốc gia từ cuối năm 2022 theo quyết định 808/QĐ-BYT ban hành ngày 01/04/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế và cơ sở không tốn kém chi phí gì.
Gửi đơn lên hệ thống là tự động từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh đã có. Việc ký đơn thuốc bằng chữ ký số thì các cơ sở công lập đều đã và đang được Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng cấp miễn phí theo quy định tại thông tư 185/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng.
Nói cách đơn giản hơn, kê đơn điện tử từ rất lâu rồi nay chỉ liên thông đơn thuốc về hệ thống quốc gia để chia sẻ cho cơ sở bán thuốc. Đối với các cơ sở y tế tư nhân việc kê đơn điện tử không gây khó khăn gì do có rất nhiều đơn vị CNTT trong lĩnh vực y tế đang hỗ trợ (49 đơn vị cung cấp - Công khai trên trang đơn thuốc quốc gia) vậy nên họ chủ động thực hiện kê đơn điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng giúp họ liên thông lên hệ thống quốc gia.
Tới cuối năm 2022, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập đã liên thông đơn thuốc và hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang hoàn thiện liên thông.