Theo nghiên cứu thì tỷ lệ tử vong ở trẻ giảm một cách đáng kể nếu sau sinh vài giờ bé được bú loại sữa non quý giá này, đồng thời có những cử chỉ âu yếm, gần gũi và cho con bú bất cứ khi nào bé muốn giúp người mẹ sản xuất sữa nhiều hơn cho bé.
Sữa non là nguồn dưỡng chất quý giá
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên và bổ dưỡng nhất cho trẻ sơ sinh và giúp trẻ ít bị ốm đau. Đặc biệt hơn, cho con bú là sợi dây vô hình gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và bé. Khi mẹ cho con bú, bé sẽ nhận ra hơi mẹ, cảm nhận được hơi mẹ ngay từ lúc lọt lòng.
Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi bầu sữa căng sữa, người ta quen gọi là "xuống sữa", như vậy là không đúng vì chậm bú sau đẻ càng làm sữa xuống chậm và càng dễ bị mất sữa. Tốt nhất, trong vòng 1 giờ đầu sau sinh người mẹ nên cho trẻ bú để bé tận dụng được nguồn sữa non quý giá. Đồng thời, động tác bú của bé còn làm cho bà mẹ có phản xạ co hồi tử cung tốt, hạn chế nguy cơ băng huyết (chảy máu tử cung) sau đẻ, khi bé bú càng làm cho mẹ "xuống sữa" nhanh hơn.
Theo nghiên cứu thì tỷ lệ tử vong ở trẻ giảm một cách đáng kể nếu sau sinh vài giờ bé được bú loại sữa non quý giá này, đồng thời có những cử chỉ âu yếm, gần gũi và cho con bú bất cứ khi nào bé muốn giúp người mẹ sản xuất sữa nhiều hơn cho bé.
Bà mẹ có thể cho trẻ bú trong tư thế ngồi, nửa nằm, nửa ngồi và nằm. Cho trẻ bú đúng cách bao gồm tư thế của bà mẹ khi đỡ bế trẻ và cách "ngậm bắt vú" của con. Tư thế của bà mẹ khi đỡ bế trẻ cần bảo đảm bốn điểm then chốt về cách đặt trẻ vào vú mẹ, đầu và thân trẻ nằm trên cùng một đường thẳng; bụng trẻ áp sát vào bụng người mẹ, mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú. Đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ không những đỡ đầu, vai trẻ mà còn phải đỡ mông trẻ.
Lưu ý, bà mẹ có thể cho con bú ở tư thế nằm hay ngồi, nhưng dù nằm hay ngồi thì hai mẹ con cũng được thoải mái để mẹ không bị mỏi; con không bị vặn người giúp cho trẻ bú được lâu - đẫy bữa và bú được "sữa cuối" trong bầu vú mẹ.
Cách ngậm bắt vú: Cần bảo đảm bốn điểm then chốt của ngậm bắt vú đúng là quầng vú phía trên còn nhiều hơn phía dưới, miệng trẻ mở rộng, môi dưới của trẻ hướng ra ngoài, cằm trẻ chạm vào vú mẹ. Ngậm bắt vú tốt là trẻ ngậm sâu hết cả núm vú, cằm trẻ sát vào quầng vú bên nên khi bú lưỡi trẻ áp sát được vào quầng vú (các xoang chứa sữa) mút được nhiều sữa hơn và không có khoảng trống tránh mút cả không khí vào.
Ngậm bắt vú sai là trẻ chỉ mút núm vú, tạo khoảng trống giữa miệng trẻ và vú mẹ vừa không có lực ép vào quầng vú lại vừa có khoảng trống khiến trẻ mút cả hơi vào làm trẻ bị no giả. Sau bữa bú nếu không biết bế vác trẻ vỗ nhẹ vào lưng cho trẻ ợ hơi ra thì có thể trẻ sẽ bị nôn, trớ .
Có nên vắt bỏ sữa đầu rồi mới cho trẻ bú?
Theo chuyên gia, không nên vắt bỏ sữa đầu rồi mới cho trẻ bú, vì sữa đầu mới tiết ra chính là sữa non. Nó có màu vàng sậm, sánh, rất giàu dưỡng chất và rất cần thiết cho bé sơ sinh vì nócòn có một hàm lượng lớn các chất kháng thể và bạch cầu giúp bé chống lại các loại bệnh tật. Những lần cho bú sau này cũng không cần vắt bỏ những giọt sữa đầu, chỉ cần lau rửa đầu vú bằng nước ấm trước khi cho trẻ bú.Sữa non đặc biệt là sữa non trong vòng một giờ đầu sau đẻ có lợi cho trẻ như vậy nên việc cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ đầu đặc biệt quan trọng vì không những rất tốt cho trẻ mà còn có nhiều lợi ích cho bà mẹ.
Thực tế cho thấy rất nhiều bà mẹ khi đi đẻ có mang theo sữa bột để cho trẻ ăn trong ngày đầu khi sữa mẹ chưa "về". Đây là một quan niệm không đúng nhưng nó tồn tại trong cộng đồng từ lâu đời và cần thay đổi.
Ngoài sữa mẹ, trong vòng 6 tháng đầu sau sinh, bà mẹ không nên cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn bổ sung nào khác như sữa bột, nước đường, cam thảo, mật ong, nước lá... các thức uống này rất dễ nhiễm khuẩn, khiến trẻ dễ mắc tiêu chảy. Khi ăn thức ăn bổ sung khác ngoài sữa mẹ, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn non nớt chưa tiết ra các men tiêu hóa các thức ăn ngoài sữa mẹ, nên trẻ dễ bị dị ứng, chàm và tiêu chảy. Trẻ sẽ mất cảm giác thích thú sữa mẹ vì không còn cảm thấy đói, trẻ bỏ bú khiến bà mẹ dần dần không tiết ra sữa và dẫn đến mất sữa. Vì vậy, sữa non của mẹ tiết ra hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ cả về chất lượng và số lượng trong vòng 2 ngày đầu sau đẻ
Các loại sữa mẹ
Sữa non: được hình thành từ tuần 14-16 của thai kỳ và được tiết ra trong vòng 1-3 ngày đầu sau đẻ. Đây là loại sữa rất giàu chất dinh dưỡng và đặc biệt là có chứa các kháng thể, giúp trẻ chống lại các loại bệnh tật ngay từ những ngày đầu sau sinh giúp co hồi tử cung nhanh hơn.
Sữa chuyển tiếp: là sữa trong thời gian từ ngày 3-7 sau đẻ khi sữa non chuyển dần thành sữa trưởng thành.
Sữa trưởng thành: là sữa khoảng ngày thứ 10 sau đẻ khi sữa chuyển tiếp hoàn toàn chuyển sang sữa trưởng thành và tồn tại đến khi cai sữa cho trẻ.
Sữa trưởng thành bao gồm 2 loại: Sữa đầu là sữa đầu bữa bú, lượng nhiều, hơi trong xanh chứa nhiều nước, các chất bổ dưỡng. Sữa cuối là sữa cuối bữa bú, màu trắng đục hơn, chứa nhiều chất béo hơn và cung cấp nhiều năng lượng giúp trẻ tăng trưởng tốt.
Vì Sữa đầu và Sữa cuối có các giá trị dinh dưỡng khác nhau nên các bà mẹ khi cho con bú nên bú hết một bên vú này rồi mới chuyển sang bên kia, như vậy trẻ sẽ được bú cả Sữa đầu và Sữa cuối.