Lợi ích kép khi triển khai bệnh án điện tử

Việc triển khai bệnh án điện tử là một bước tiến quan trọng trong công tác số hoá ngành y tế, mang lại hiệu quả cho cả bệnh viện lẫn bệnh nhân. Vừa số hoá toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm tải công tác hành chính, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Bệnh án điện tử- Chăm sóc, quản lý sức khoẻ người dân một cách toàn diện nhất

Việc triển khai bệnh án điện tử đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế. Bệnh án điện tử không chỉ có lợi cho người dân mà còn tạo thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh của thầy thuốc. Đây được xem như một bước đột phá của ngành y tế. Nếu bệnh án điện tử triển khai thành công, người bệnh không còn phải lưu trữ và mang theo bên mình các loại giấy tờ thăm khám khi tới bệnh viện. Người bệnh và các bác sĩ có thể thông qua bệnh án điện tử để quản lý thông tin sức khỏe liên tục và suốt đời. Bệnh án điện tử là cách để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh.

Triển khai bệnh án điện tử thành công sẽ giảm thiểu được thời gian chờ đợi cũng như các thủ tục của người bệnh, người nhà khi đến viện. Người dân không cần phải quá lo lắng nếu có làm mất, thất lạc giấy tờ khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, chụp chiếu… Bệnh án điện tử cũng sẽ cung cấp những thông tin, dữ liệu cơ bản giữa các tuyến cơ sở giúp thông tin của người bệnh được kết nối, thông suốt làm tăng hiệu quả điều trị.

Thông qua bệnh án điện tử, các bác sĩ có thể truy cập vào hồ sơ của bệnh nhân bất kỳ lúc nào, tiết kiệm được thời gian và công sức lưu trữ bệnh án giấy như trước kia. Khi thông tin khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch cũng sẽ giúp việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh hay bảo hiểm y tế được dễ dàng, thuận tiện hơn.


Bệnh viện hạng I có thêm 2 năm triển khai bệnh án điện tử

Dù mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cán bộ y tế, nhưng việc triển khai bệnh án điện tử còn chậm so với lộ trình đặt ra. Bởi tại các cơ sở y tế còn vướng rào cản về kinh phí để chuyển đổi cũng như tình trạng thiếu nhân sự công nghệ thông tin giúp vận hành hệ thống.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến hết năm 2023 phải có 135 bệnh viện hạng I triển khai xong bệnh án điện tử. Tuy nhiên, tính đến tháng 11 năm nay mới có 106 cơ sở y tế nói chung triển khai bệnh án điện tử. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Theo thông tin bổ sung, dự thảo này đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 của Điều 20 Thông tư 46/2018/TT-BYT về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, như sau: Đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.

Cũng có nghĩa là so với Thông tư 46/2018/TT-BYT, các bệnh viện hạng I trở lên sẽ có thêm thời gian 02 năm để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Trong khi các cơ sở y tế còn lại phải cố gắng về đích trước 03 năm so với thời hạn cuối năm 2028 như trong quy định hiện tại.

Trong trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành khác nhưng chưa triển khai được bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế. Với các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của sở y tế chưa triển khai được phải có văn bản báo cáo sở. Trong văn bản báo cáo phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 487/TB-VPCP về triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc. Dự kiến tới năm 2025, 100% cơ sở y tế kể cả bao gồm cả công lập và tư nhân) và có 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam bao gồm cả những trường hợp chưa có thẻ BHYT đều sẽ sở hữu một Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và khoảng 30% người dân khi đi khám chữa bệnh sẽ có bệnh án điện tử.

Share
0
+1
0
Tweet
0
Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Hotline tư vấn

 0827.335.345