Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống thêm bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác, kể cả nước trắng, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc (theo chỉ định của bác sĩ).
Các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ
Theo các chuyên gia Viện Dinh dưỡng, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống thêm bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác, kể cả nước trắng, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc (theo chỉ định của bác sĩ). Thời gian nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ là tròn 6 tháng (180 ngày tuổi).
Các yếu tố ảnh hưởng đến tiết sữa mẹ gồm yếu tố hỗ trợ và yếu tố cản trở. Yếu tố hỗ trợ là bà mẹ ăn đủ cả lượng và chất (đủ bốn nhóm thực phẩm, và chọn các thực phẩm bổ dưỡng: giàu đạm, sắt - Axít folic, can xi và các vitamin); Con càng bú nhiều sữa càng ra nhiều; Tinh thần và tâm lý: bà mẹ vui vẻ, hạnh phúc, tin là mình có đủ sữa; Sự gần gũi với con: được ở gần, ngắm nhìn, âu yếm, vuốt ve; Cho con bú về đêm sữa được tạo ra nhiều hơn.
Yếu tố cản trở việc tạo sữa là giấc ngủ của mẹ: mẹ mất ngủ…; Công việc của mẹ như mẹ phải đi làm đồng quá sớm, …; Bà mẹ ăn uống không đầy đủ, thiếu chất; Lo lắng, căng thẳng, không tin là mình có đủ sữa; Bà mẹ đau đớn; Bà mẹ không cho con bú đúng cách; Mẹ con không được ở cạnh nhau; Để vú căng sữa lâu
Dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú
Theo chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, bà mẹ cho con bú nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo nguồn sữa tốt nhất. Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, đảm bảo bà mẹ ăn ít nhất 5 loại trái cây và rau xanh mỗi ngày. Ăn những thực phẩm giàu tinh bột như bánh mỳ, ngũ cốc, mì sợi, cơm và khoai tây để bổ sung thêm năng lượng. Khi đói, thay vì ăn những loại thức ăn có chứa lượng chất béo và đường cao thì nên ăn những thực phẩm giàu tinh bột với nhiều calo hơn.
Khi nuôi con bú, bà mẹ chỉ cần ăn thêm 1-2 bát cơm/1 ngày. Nên cung cấp đạm từ thịt nạc, thịt gà, trứng và các loại đậu như đậu nành, lạc. Ăn cá ít nhất 2 lần 1 tuần bao gồm 1 phần cá thịt trắng và 1 phần cá nhiều mỡ. Nếu có đủ điều kiện, sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa chua cũng là nguồn dồi dào đạm, đồng thời cung cấp một lượng đủ canxi.
Ăn nhiều chất xơ bởi những thực phẩm giàu tinh bột đã nói trên chứa một lượng chất
xơ. Ngũ cốc, trái cây, rau quả và các loại đậu cũng cung cấp nhiều chất xơ. Ăn nhiều chất xơ rau củ, chất xơ trong ngũ cốc và rau quả rất hữu ích để phòng ngừa bệnh táo bón - vấn đề hay gặp trong giai đoạn sau sinh. Người bình thường cần uống 6 - 8 ly nước mỗi ngày. Người mẹ đang cho con bú nên uống 10 -12 ly mỗi ngày.
Những khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ
Phần lớn các vấn đề khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ có chung một nguyên nhân là do bà mẹ chưa biết cho trẻ trẻ bú đúng cách bao gồm cả tư thế cho con bú đến cách cho con ngậm bắt vú tốt ngay từ bữa bú đầu tiên.
Trường hợp không đủ sữa, cần cho trẻ bú nhiều hơn, ăn thực phẩm lợi sữa, có tinh thần thoải mái và được gia đình động viên, hỗ trợ. Phòng tránh điều này bằng cách cho trẻ bú ngay sau sinh và bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm.
Trường hợp bị nứt cổ gà, khắc phục bằng cách giúp trẻ ngậm bắt vú đúng cách, không bôi gì lên đầu vú, lấy giọt sữa mẹ xoa nhẹ lên núm ví và quầng vú; Nếu mẹ bị căng tức hoặc tắc tia sữa, hãy cho trẻ bú nhiều hơn cả ngày lẫn đêm, có thể vắt bớt sữa ra; Khi bị viêm tuyến vú, thấy có hiện tượng nổi cục, sưng nóng và sốt thì nên đến khám, tư vấn tại các cơ sở y tế.
Nếu núm vú bị phẳng, tụ thì kéo núm vú ra, cho trẻ lớn bú hoặc vắt sữa ra cho đỡ căng vú. Trong mọi trường hợp khó khăn, luôn luôn khuyên bà mẹ tiếp tục cho con bú nhiều hơn hoặc vắt sữa ra cho trẻ ăn bằng cốc. Không cho trẻ bú bình vì nếu cho trẻ bú bình sẽ khiến trẻ không thích bú mẹ trở lại nữa
Không nên cho trẻ bú mỗi bên một chút bởi ong sữa mẹ có sữa đầu và sữa cuối: Sữa đầu là sữa đầu bữa bú, lượng nhiều, hơi trong xanh chứa nhiều nước, các chất dinh dưỡng: protein, đường, giúp trẻ đỡ khát. Sữa cuối là sữa cuối bữa bú, màu trắng đục hơn, chứa nhiều chất béo hơn và cung cấp nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân, phát triển tốt.
Nếu trẻ bú mỗi bên một ít làm cho trẻ bú phần lớn sữa đầu, giúp trẻ đỡ khát chứ không giúp trẻ tăng cân, phát triển tốt. Do đó, cần cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển bên khác giúp trẻ nhận được đầy đủ dưỡng chất trong cả 2 loại sữa.