Viêm phế quản ở trẻ thường không quá nguy hiểm nhưng tái đi tái lại nhiều lần, nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, bất kể lứa tuổi và thời tiết nào. Đặc biệt là trẻ em ở thành thị, dân cư đông đúc thì tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn. Do hệ miễn dịch còn non yếu nên khi thời tiết thay đổi, trẻ thường bị viêm phế quản với các biểu hiện như ho, sổ mũi và khó thở. Viêm phế quản ở trẻ thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Trẻ nhỏ nào cũng dễ mắc viêm phế quản, trong đó thường gặp là: Trẻ bị béo phì, thừa cân; Trẻ bị dị ứng với phấn hoa, bụi nhà, lông súc vật; Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá; Trẻ sống ở những nơi có độ ẩm cao và có nấm mốc; Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi; Trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà...
Trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc viêm phế quản và thường diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi. Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn H. Influenzae, rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm cũng là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Biểu hiện viêm phế quản ở giai đoạn khởi phát: Trẻ sẽ kém chơi, ăn kém do ngạt mũi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc tiêu chảy.
Biểu hiện ở giai đoạn toàn phát (thường là ngày thứ 3 sau khởi phát bệnh): Trẻ sốt cao, nhiệt độ từ 38 - 40 độ C kèm ho nhiều, ho khan, ho có đờm xanh hoặc vàng. Trẻ thở khò khè, có thể khó thở. Trẻ ho nhiều, có thể dẫn đến nôn ói.
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Trẻ khó thở, tím tái.
Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 2 tháng - 12 tháng tuổi: Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.
Trẻ từ 1 tuổi - 5 tuổi: Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
Trẻ sốt ≥ 39oC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc co giật.
Trẻ ho nhiều và kéo dài, ngủ li bì, khó đánh thức, bỏ bú.
Có thể chữa dứt điểm viêm phế quản ở trẻ không?
Trẻ bị viêm phế quản có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng cách. Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch đường phế quản, nghĩa là giúp trẻ tống đờm nhớt ra khỏi cuống phổi, để trẻ dễ thở hơn. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên để chữa dứt điểm bệnh bằng cách:
Luôn giữ ấm cơ thể trẻ, tránh để trẻ bị lạnh khiến bệnh lý diễn tiến nặng hơn.
Cho trẻ uống nhiều nước.
Thường xuyên vệ sinh tai – mũi – họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% hoặc bằng nước ấm.
Khi trẻ bị sốt < 38,5°C nên chườm ấm cho trẻ để hạ sốt nhanh hơn. Trường hợp trẻ sốt cao > 38,5°C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý: Chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có chỉ định. Vì chỉ dùng khi có bằng chứng rõ là nhiễm khuẫn, điều này sẽ được bác sĩ đánh giá và cho y lệnh. Bác sĩ có thể kê loại thuốc làm loãng đờm và trẻ sẽ phải được cho uống nhiều nước. Ở trẻ quá nhỏ, phản xạ ho không nhiều hoặc động tác ho yếu, không đủ để tống đờm ra thì dễ đưa đến nghẹt đờm, cần phải đưa trẻ đi tập vật lý trị liệu hô hấp hoặc đi hút đờm nhớt. Phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc chống ho khi thấy con mình ho quá nhiều. Nếu ho giúp trẻ tống hết đờm ra ngoài, thì hoàn toàn lại là việc rất hữu ích, nó sẽ giúp trẻ mau chóng bình phục hơn.
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên: Giữ cơ thể trẻ luôn đủ ấm, đặc biệt là vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa. Đối với trẻ dễ bị kích ứng bởi các tác nhân như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo… nên hạn chế khả năng tiếp xúc của trẻ với các tác nhân nêu trên. Giữ môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát. Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhằm nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người đang mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm, ẩm mốc. Tiêm vaccine phòng các bệnh về hô hấp cho trẻ.
Tóm lại: Trẻ bị viêm phế quản có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, các bậc phụ huynh cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng.